.

Thứ năm, 18/04/2024 -09:13 AM

Cách xác định tài sản riêng của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân

 | 

Khi còn đang chung sống hạnh phúc, vợ chồng thường không quan tâm đến việc việc phân định xem tài sản là của chung hay của riêng. Đối với họ khi đã về chung một nhà thì mọi tài sản đều là của chung hoặc họ sẽ nghĩ của cải do ai tạo ra thì đương nhiên sẽ thuộc quyền sở hữu của người đó. Đến khi ly hôn chia tài sản mới vỡ lẽ là mọi chuyện không như mình nghĩ, thu nhập do chồng kiếm được lại được xem là tài sản chung và bị chia đôi cho vợ hoặc ngược lại.

Khi kết hôn và xác lập quan hệ vợ chồng, kể từ thời điểm đó, pháp luật ghi nhận chế định về “Tài sản chung của vợ chồng” được hình thành trên căn cứ hôn nhân. Tuy nhiên, trong thời kỳ hôn nhân sẽ vẫn tồn tại chế định về “Tài sản riêng của vợ, chồng” nhằm phân định rõ ràng quyền lợi riêng của mỗi bên vợ, chồng. Và thực tế, không tránh khỏi trường hợp, một bên cho rằng tài sản này là tài sản riêng của mình, nhưng bên kia lại cho rằng đó là tài sản chung. Vậy trong trường hợp này, phải làm cách nào để chứng minh đó là tài sản riêng của một bên. Bài viết dưới đây trên cơ sở phân tích các quy định pháp lý liên quan sẽ giải đáp thắc mắc trên.

Trước hết, để chứng minh là tài sản riêng thì chúng ta cần biết những tài sản nào được pháp luật công nhận là tài sản riêng của một bên vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân. Theo quy định tại Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, tài sản riêng của vợ chồng bao gồm các nhóm tài sản sau:

Nhóm 1: Thời điểm có tài sản trước khi kết hôn

- Thứ nhất: Tài sản riêng của vợ, chồng mà mỗi người có trước khi kết hôn;

- Thứ hai: Tài sản được chia riêng theo Thỏa thuận về chế độ tài sản vợ chồng trước khi kết hôn theo Điều 47, 48 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

Nhóm 2: Thời điểm có tài sản trong khi kết hôn

-  Thứ ba: Tài sản được thừa kế riêng 

-  Thứ tư: Tài sản được tặng cho riêng 

-  Thứ năm: Tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của mỗi người

-  Thứ sáu: Tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng. Cụ thể, quy định đối với các loại tài sản này được hướng dẫn cụ thể tại Điều 11 Nghị định 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ (quy định chi tiết và thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình 2014), bao gồm các loại tài sản sau:

+ Quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ.

+ Tài sản mà vợ, chồng xác lập quyền sở hữu riêng theo bản án, quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác.

+ Khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ chồng.

- Thứ bẩy: Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của mỗi người.

- Thứ tám: Tài sản được chia riêng theo thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân;

- Thứ chín: Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ chồng.

Như vậy, chúng ta có thể thấy việc xác định tài sản là tài sản riêng của một bên vợ, chồng thì phải dựa vào 03 yếu tố chính gồm: Nguồn gốc tài sản, thời điểm tạo lập tài sản, thỏa thuận xác lập tài sản giữa vợ chồng. Chính vì vậy, việc chứng minh tài sản riêng cũng chính là đi chứng minh 3 yếu tố trên.

Trước tiên, xét đến nguồn gốc của tài sản: Chúng ta phải xác định được tài sản đó có được bắt nguồn từ đâu?

+ Có phải của ông bà tổ tiên để lại hay của bố, mẹ, người thân tặng cho riêng cá nhân, hay là người được thừa kế.

+ Nếu tài sản đó được mua bằng tiền thì tiền đó từ đâu mà có, nếu từ tiền riêng của cá nhân, từ tài sản riêng của cá nhân hay nói cách khác phải xác định tài sản đó có phải là tài sản được hình thành từ tài sản riêng của cá nhân hay không?

+ Đã có cơ quan nào xác nhận là tài sản riêng hay chưa?

Đối với việc chứng minh thời điểm tạo lập tài sản: Phải xác định được thời điểm cá nhân có tài sản là trước hay sau khi đăng ký kết hôn. Về nguyên tắc, tài sản được tạo lập trước thời điểm kết hôn sẽ là tài sản riêng của mỗi bên vợ, chồng.

Tuy nhiên có thể nói, yếu tố quyết định nhất trong việc xác định tài sản riêng của vợ chồng vẫn là “Thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng”. Hai yếu tố trên về (1) Nguồn gốc tài sản và (2) Thời điểm tạo lập tài sản cũng sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu các bên có thỏa thuận hợp pháp khác. Cụ thể, đó là các thỏa thuận sau:

+ Thỏa thuận chia tài sản vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân (Điều 38 Luật hôn nhân và gia đình);

+ Thỏa thuận chế độ tài sản vợ chồng trước khi kết hôn (Điều 47 Luật hôn nhân và gia đình);

+ Thỏa thuận về tài sản khác theo quy định.

Điều này có nghĩa, cho dù tài sản đó có nguồn gốc và thời điểm rõ ràng được xác định là tài sản riêng của một bên vợ chồng theo quy định tại Điều 43 Luật hôn nhân và gia đình và bạn cũng có đầy đủ giấy tờ chứng minh đây là tài sản riêng, nhưng nếu trước đó, vợ chồng bạn đã từng ký 1 trong 3 loại thỏa thuận nêu trên một cách hợp pháp thì việc xác định tài sản đó là tài sản chung hay riêng chỉ cần dựa theo thỏa thuận để xác định mà thôi.

Pháp luật vẫn đặt quyền tự do ý chí, tự do thỏa thuận của vợ chồng ở vị trí cao nhất và được tôn trọng nhất. Vậy nên, cách tốt nhất để rõ ràng tài sản chung, riêng của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân thì vợ chồng nên có thỏa thuận minh bạch, cụ thể với nhau.

Mặt khác, pháp luật hôn nhân và gia đình cũng ghi nhận “nguyên tắc suy đoán” trong việc chứng minh tài sản riêng của một bên vợ chồng, đó là: Nếu trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung (Khoản 3 Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình). Do vậy, nếu không có đủ căn cứ để chứng minh tài sản riêng thì đương nhiên tài sản đó sẽ được coi là tài sản chung của cả hai vợ chồng./.

Phùng Anh Tuấn- VKSND huyện Hiệp Hòa

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,685,127
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.12.41.106

    Thư viện ảnh