.

Thứ sáu, 19/04/2024 -16:31 PM

Thẩm phán hay Hội đồng xét xử ra Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự

 | 

Chị A và anh B kết hôn ngày 27/8/2014 có tìm hiểu tự nguyện và có đăng ký kết hôn tại UBND xã C. Trong quá trình chung sống, vợ chồng phát sinh mâu thuẫn. Ngày 20/01/2018 chị A có đơn khởi kiện yêu cầu được ly hôn anh B và yêu cầu được nuôi con chung của vợ chồng là cháu D sinh ngày 30/8/2015.

Sau khi thụ lý vụ án Tòa án đã tiến hành hòa giải nhiều lần nhưng anh B không đồng ý ly hôn với chị A và cũng không đồng ý để chị A nuôi cháu D.

Ngày 10/02/2018, Tòa án ra Quyết định đưa vụ án ra xét xử, lịch xét xử vào ngày 25/02/2018. Đến ngày 15/02/2018, chị A và anh B thỏa thuận với nhau về giải quyết toàn bộ vụ án (anh B đồng ý ly hôn và để chị A nuôi cháu D) nên anh chị đến Tòa án và đề nghị Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án lập biên bản công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của đương sự. Hết thời hạn 07 ngày không có đương sự nào thay đổi ý kiến nên Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án ra Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của đương sự đối với chị A và anh B.

Việc Thẩm phán ra Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của đương sự nêu trên có hai quan điểm như sau:

* Quan điểm thứ nhất: Thẩm phán không có quyền ra Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự vì khi đã có Quyết định đưa vụ án ra xét xử thì Hội đồng xét xử đã được thành lập, việc giải quyết vụ án phải do Hội đồng xét xử quyết định. Do vậy, việc ra Quyết đinh công nhận sự thỏa thuận phải do Hội đồng xét xử xem xét quyết định tại phiên tòa theo quy định tại Điều 246 Bộ luật tố tụng dân sự (Bộ LTTDS).

Quan điểm thứ hai: Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án được quyền ra Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của đương sự theo quy định tại khoản 1 Điều 212 Bộ LTTDS mà không phải mở phiên tòa, bởi lẽ: Về nguyên tắc quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự là một trong những nguyên tắc cơ bản xuyên suốt quá trình giải quyết vụ án, theo quy định tại Điều 5 Bộ LTTDS thì trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, bất cứ ở giai đoạn tố tụng nào đương sự cũng có quyền thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án trên cơ sở tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội. Mặt khác, tại Điều 10 Bộ LTTDS quy định Tòa án phải có trách nhiệm tiến hành hòa giải và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án theo quy định của Bộ LTTDS. Mặc dù, đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Hội đồng xét xử đã được thành lập nhưng việc xét xử là không cần thiết nên Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án lập biên bản hòa giải thành và quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự theo quy định tại Điều 211, Điều 212 Bộ LTTDS là phù hợp mà không phải chờ đến ngày phiên tòa được mở theo quyết định đưa vụ án ra xét xử để Hội đồng xét xử quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, việc làm này vừa bảo đảm giải quyết vụ án được nhanh chóng và vẫn phù hợp với quy định của Bộ LTTDS.

Cá nhân tôi đồng tình với quan điểm thứ hai. Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của  đồng nghiệp./.

Nguyễn Thị Hồng Nhung- VKSND huyện Hiệp Hòa

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,696,945
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.117.182.179

    Thư viện ảnh