.

Thứ tư, 24/04/2024 -08:27 AM

Tồn tại, vướng mắc trong áp dụng Điều 164a Bộ luật hình sự

 | 

Bộ luật hình sự năm 1999 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội khóa X thông qua ngày 21/12/1999, thay thế Bộ luật hình sự năm 1985 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2000. Trong quá trình thực hiện Bộ luật hình sự, để đáp ứng được những thay đổi, chuyển biến của xã hội cũng như hội nhập kinh tế quốc tế thì ngày 19/6/2009 tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 1999. Bộ luật hình sự sửa đổi bổ sung năm 2009 đã bổ sung thêm một số điều, đặc biệt là các điều quy định đối với loại tội mới hình thành trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, kinh doanh chứng khoán, môi trường …

Tuy nhiên việc hướng dẫn áp dụng một số điều luật mới lại chưa được kịp thời dẫn đến việc áp dụng gặp nhiều vướng mắc, chưa thống nhất. Cụ thể, Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009 có hiệu lực từ ngày 01/01/2010, nhưng ngày 10/9/2012 mới có Thông tư liên tịch số 10/2012/TTLT-BCA-BQP-BTP-BTT&TT-VKSNDTC-TANDTC của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và truyền thông, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn áp dụng quy định của bộ luật hình sự về một số tội tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông; ngày 26/6/2013 là Thông tư liên tịch số 10/2013/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC-BTC của Bộ tư pháp, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tài chính Hướng dẫn một số điều của Bộ luật hình sự về các tội phạm trong lĩnh vực thuế, tài chính – kế toán và chứng khoáng. Bấp cập, vướng mắc trong việc áp dụng quy định của Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009 thể hiện: Tại Điều 2 Thông tư liên tịch số 10/2013/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC-BTC ngày 26/6/2013, hướng dẫn áp dụng Điều 164a về tội “In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước”, hướng dẫn chi tiết như:

1. Hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước gồm: …

2. Chủ thể tội phạm này bao gồm: …

3. Các hành vi quy định tại Điều 164a của BLHS được hiểu như sau: …

4. Hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước có số lượng lớn, rất lớn, đặc biệt lớn được hiểu như sau:

a) Số lượng hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước ở dạng phôi (chưa ghi giá trị sử dụng) từ 50 số đến dưới 100 số được coi là lớn; từ 100 số trở lên được coi là rất lớn, đặc biệt lớn.

b) Số lượng hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước đã ghi nội dung để nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật từ 10 số đến dưới 30 số được coi là lớn; từ 30 số trở lên được coi là rất lớn, đặc biệt lớn.

5. Thu lời bất chính lớn là thu được khoản lợi có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên từ việc thực hiện hành vi phạm tội nêu trên.

6. Gây hậu quả nghiêm trọng là trường hợp gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên.

Theo quy định của Điều 164a Bộ luật hình sự thì cấu thành cơ bản của tội này chỉ quy định số lượng hóa đơn lớn, còn thu lời bất chính và gây hậu quả chỉ là tình tiết định khung quy định tại khoản 2. Nhưng trong thực tế xử lý đối với hành vi mua bán hóa đơn thì thấy: có những đối tượng mua bán hóa đơn giá trị gia tăng với số lượng rất lớn, đặc biệt lớn nhưng số tiền thu lời bất chính từ việc mua bán hóa đơn giá trị gia tăng lại không lớn (số tiền ghi khống trong mỗi hóa đơn giá trị gia tăng không lớn) thì xử lý hình sự, trong khi đó có những đối tượng mua bán hóa đơn giá trị gia tăng với số lượng không lớn nhưng số tiền thu lời bất chính lại có giá trị lớn (số tiền ghi khống trong mỗi hóa đơn giá trị gia tăng lớn) thì không thể xử lý hình sự. Về gây hậu quả nghiêm trọng cũng tương tự như vậy (hóa đơn giá trị gia tăng ghi khống lớn thì số tiền hoàn thuế khống lớn, số tiền hoàn thuế khống lớn sẽ gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước lớn).

Để hoàn thiện các quy định của pháp luật đảm bảo sự công bằng đồng thời phòng ngừa việc lợi dụng các kẽ hở trong quy định về sử dụng hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước thực hiện hành vi phạm tội, tôi thiết nghĩ liên ngành Trung ương cần phải có hướng dẫn áp dụng Điều 164a Bộ luật hình sự, đưa tình tiết thu lợi bất chính và gây hậu quả nghiêm trọng vào cấu thành cơ bản.

Trên đây là quan điểm về những tồn tại, vướng mắc trong áp dụng Điều 164a Bộ luật hình sự, rất mong nhận được sự quan tâm trao đổi của các đồng nghiệp./.

Nguyễn Văn Vĩnh

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,749,317
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.216.94.152

    Thư viện ảnh