.

Thứ bảy, 20/04/2024 -05:11 AM

Khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại điều 140 Bộ luật hình sự.

 | 

Trong những năm gần đây, tình hình vay tài sản giữa cá nhân với cá nhân (chủ yếu là tiền VND với số lượng lớn) diễn ra khá phổ biến trên địa bàn huyện Yên Thế nói riêng cũng như tỉnh Bắc Giang nói chung. Để vay được tài sản, giữa người vay và người cho vay chỉ căn cứ vào “lòng tin”, mối quan hệ gia đình, họ hàng, hàng xóm hoặc thông qua người trung gian có quan hệ với những người này mà không có bất cứ tài sản hoặc sự ràng buộc nào khác về trách nhiệm trả nợ; thủ tục vay thì đơn giản, nhanh gọn bằng miệng hoặc những tờ biên nhận viết một cách qua loa, không rõ nội dung, không thể hiện hết ý chí của các bên. Ở một góc độ nào đó, các hợp đồng vay tài sản như vậy đã giúp cho nhiều người kịp thời có vốn để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình và xã hội. Tuy nhiên, lợi ích như trên là rất ít, thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp người cho vay không thể, thậm chí không bao giờ lấy lại được tài sản của mình. Hậu quả của sự “dễ dãi” này là các tranh chấp khó giải quyết, trong đó có một phần lỗi của chính người cho vay do lòng tham được trả lãi cao, bỏ qua phần thủ tục cần thiết, không có biện pháp xác minh việc sử dụng tài sản của người vay… Về phía người vay tài sản, khi không có khả năng thanh toán thì họ đưa ra rất nhiều lý do tưởng chừng như rất “hợp lý” để giải trình cho việc sử dụng tài sản đã vay như do làm ăn thua lỗ, người đi vay tiếp tục cho người khác vay để lấy lãi cao hơn…và cuối cùng là họ xin “khất” nợ người cho vay, thậm chí nói rõ là không có tiền để trả nợ cho người cho vay.

Để giải quyết những tranh chấp này, theo quy định của pháp luật hiện hành, có hai giải pháp đó là, khởi kiện ra Tòa án nhân dân để giải quyết tranh chấp theo thủ tục tố tụng dân sự hoặc tố cáo đến cơ quan điều tra có thẩm quyền để xem xét, xử lý về hình sự. Tuy nhiên, như đã đặt vấn đề, sự “dấp dính” giữa quan hệ dân sự và quan hệ hình sự trong các hợp đồng vay tài sản kiểu như vậy là rất khó phân định, mà đôi khi, giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự hay hình sự đều không phản ánh đúng bản chất của vụ việc, chỉ một chi tiết hoặc dấu hiệu nào đó sẽ dẫn đến “hình sự hóa” các quan hệ dân sự và ngược lại, do đó rất cần sự hướng dẫn cụ thể của các cơ quan có thẩm quyền. Sau đây, tác giả xin phân tích các dấu hiệu cơ bản cần và đủ để xử lý các trường hợp có dấu hiệu hình sự theo quy định tại Điều 140 Bộ luật hình sự gắn với các vụ việc cụ thể để trao đổi cùng bạn đọc.

 Trước hết, về căn cứ pháp luật. Khoản 1 Điều 140 Bộ luật hình sự hiện hành quy định cấu thành cơ bản của tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản như sau:

1. Người nào có một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ bốn triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới bốn triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

Như vậy, để làm rõ được mặt khách quan của tội phạm, Cơ quan điều tra cần phải chứng minh người phạm tội đã thực hiện một hành vi cụ thể trong nhóm các hành vi sau, và điều bắt buộc là, các hành vi thuộc từng nhóm phải được thực hiện theo thứ tự trước, sau về mặt thời gian (nhóm hành vi thứ nhất phải thực hiện trước nhóm hành vi thứ hai). Cụ thể là:

- Các hành vi thuộc nhóm thứ nhất gồm: Vay tài sản của người khác; Mượn tài sản của người khác; Thuê tài sản của người khác; Nhận được tài sản bằng các hình thức hợp đồng (các hình thức hợp đồng này phải đúng với các quy định của Bộ luật dân sự về hình thức, đối tượng…).

- Các hành vi thuộc nhóm thứ hai gồm: Dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản; Bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản; Sử dụng tài sản đã nhận được vào mục đích bất hợp pháp dẫn đếnkhông có khả năng trả lại tài sản.

Với quy định như trên, theo tác giả, việc chứng minh các hành vi thuộc nhóm thứ nhất là tương đối thuận lợi và có nhiều cơ sở để khẳng định. Khó khăn, vướng mắc nằm ở nhóm hành vi thứ hai. Để tiện cho việc đối chiếu giữa hành vi khách quan đã diễn ra trên thực tế và quy định của luật, sau đây, xin nêu một số ví dụ cụ thể.

Ví dụ 1: Xuất phát từ mối quan hệ gia đình, hàng xóm, từ năm 2012, Nguyễn Thị T, nghề nghiệp làm ruộng đã viết biên nhận để vay của 12 người với tổng số tiền là 500 triệu đồng với nhiều thời hạn, lãi suất khác nhau, mục đích chung là “cần tiền để làm ăn” và có trả lãi ngay. Sau khi vay được số tiền trên, không ai biết T đã dùng số  tiền đó vào mục đích gì, nhưng chắc chắn là T không có bất cứ hoạt động sản xuất, kinh doanh nào tại địa phương, không mua sắm tài sản cho gia đình. Gia đình T cho biết, thỉnh thoảng T có đi đâu đó một vài ngày rồi lại về lao động bình thường, nếu T có vay số tiền lớn như vậy thì “có khả năng” T đã sử đụng vào việc đánh bạc (chơi lô, đề). Đến nay, T hoàn toàn không có khả năng thanh toán số tiền đã vay. Sau khi biết T không có khả năng thanh toán, các bị hại đã  có đơn tố cáo T lừa đảo chiếm đoạt tài sản gửi Công an huyện và để nghị xử lý T trước pháp luật. Cơ quan điều tra đã tiến hành xác minh, thu thập chứng cứ, xác định nội dung vay nợ của T là đúng.  Nhưng,  khi làm việc với T thì T không có mặt tại nơi cư trú, xác minh được biết, trước đó, T đã có đơn xin vắng mặt tại địa phương (không ghi thời hạn cụ thể) với lý do: Đến tỉnh Quảng Ngãi (không ghi địa chỉ cụ thể) tìm mộ liệt sỹ của chú ruột chồng, đơn của Nguyễn Thị T được Chủ tịch  UBND xã xác nhận. Xác minh tại gia đình T, được biết: Gia đình nhà chồng T có chú ruột là liệt sỹ hy sinh tại Quảng Ngãi, trước tết 2013, gia đình chồng T (trong đó có cả T) đã đến Quảng Ngãi để tìm mộ nhưng chưa tìm thấy. Bố chồng T khẳng định, không giao việc tìmmộ cho T và hiện nay T cũng không có liên lạc,  gia đình  không biết T ở đâu.

Với các tài liệu như trên, đến nay có rất nhiều quan điểm đánh giá hành vi của T theo quy định tại Điều 140 Bộ luật hình sự.

Quan điểm thứ nhất: Hành vi của Nguyễn Thị T đã thoả mãn các yếu tố trong mặt khách quan của tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, đó là: Nhận được tài sản bằng hợp đồng vay tài sản nhưng T đã sử dụng tài sản nhận được vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản. Việc “sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp” của T thể hiện ở chỗ, nghề nghiệp của T là làm ruộng tại nơi cư trú, T không mua sắm tài sản cho gia đình, không có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại địa phương, nhưng T đã chủ động vay một khoản tiền lớn, vượt quá khả năng kinh tế của gia đình mình; khi vay, T chỉ nói chung chung với những người cho vay là “để làm ăn” mà không ghi cụ thể mục đích của việc sử dụng tài sản vay. Mặt khác, cũng có thể coi việc T đi khỏi nơi cư trú không xác định được thời gian, địa chỉ cụ thể là hành vi “bỏ trốn”, lý do T đi tìm mộ liệt sỹ là không đúng sự thật.

Quan điểm thứ hai: Chưa đủ căn cứ để khởi tố Nguyễn Thị T về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, bởi lẽ: Hành vi của Nguyễn Thị T mới thoả mãn một phần của hành vi khách quan, đó là nhận tài sản qua hình thức hợp đồng vay tài sản, nhưng đến nay chưa có căn cứ khẳng định là T đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp do chưa lấy được lời khai của T, chưa xác minh T có chơi lô, đề hay không…; việc T đi khỏi nơi cư trú đã được Chủ tịch UBND xã xác nhận một cách công khai nên không thể coi đó là hành vi “bỏ trốn”, cũng không thể coi lý do T đi tìm mộ liệt sỹ là không đúng sự thật vì không ai có thể ngăn cấm T làm việc đó, nếu sau này T có căn cứ chứng minh được việc đi tìm mộ thật thì sẽ khó khăn cho việc giải quyết vụ án.

Ví dụ 2: Lê Thị N là Tổ trưởng Tổ vay vốn của thôn. Cũng do mối quan hệ quen biết với các hộ dân trong thôn, N đã đến đặt vấn đề với 1 số người làm thủ tục vay tiền của Ngân hàng rồi cho N vay lại với lãi suất cao hơn. Trong khoảng thời gian từ 10/2010 đến 8/2013, N đã viết biên nhận vay tiền của 08 người dân trong thôn có quan hệ quen biết với N  với số tiền là 742 triệu đồng, mục đích vay là “cần tiền để giải quyết việc gia đình”, thời gian đầu N có trả lãi đầy đủ theo thoả thuận. Đến tháng 02/2014, N không thực hiện việc trả lãi; một số khoản vay đã đến hạn trả nhưng N không thanh toán dẫn đến việc những người cho vay đã làm đơn tố cáo Lê Thị N. Kết quả điều tra xác minh xác định: Việc Lê Thị N vay tiền của 08 hộ dân trong thôn là đúng, số tiền vay được N xác định đã dùng một phần để xin việc cho con, một phần N kinh doanh lâm sản bị thua lỗ đến nay chưa có điều kiện thanh toán. Hiện nay, N tiếp tục sống và làm ruộng tại nơi cư trú (đã thôi kinh doanh lâm sản), không có biểu hiện  trốn tránh; khi yêu cầu trả nợ, N đều viết giấy nhận có ghi số nợ  gốc và lãi, có hứa hẹn thời hạn trả cụ thể đối với từng người. Tuy nhiên, đến thời hạn trả nợ, N không thực hiện và đưa ra nhiều lý do khách quan, trong đó có lý do “chưa đòi được tiền hàng do người khác nợ N”, hỏi người nợ tiền hàng của N thì N không nói cụ thể. 

Với nội dung vụ việc như trên, cũng có nhiều quan điểm đánh giá hành vi khách quan của Lê Thị N.

Quan điểm thứ nhất: Hành vi của Lê Thị N thoả mãn hành vi khách quan của Điều 140 bởi lẽ: Sau khi nhận được tài sản, N đã sử dụng một phần tài sản đó để xin việc cho con, đây có thể coi là hành vi sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp vì con trai N đang là công chức cấp xã, có thi tuyển công chức theo quy định và đã trúng tuyển. Nếu N sử dụng tiền để xin việc cho con thì hoặc là trái với quy định của Nhà nước (bất hợp pháp) hoặc là N đã gian dối, đưa ra lý do không đúng sự thật. Mặt khác, trong điều kiện thực tế, N không có khả năng thanh toán nợ nhưng vẫn ký nợ, hứa hẹn trả và đưa ra thông tin không đúng sự thật (do chưa lấy được tiền của người mua hàng). Do vậy, có thể coi hành vi của N thuộc trường hợp “dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản”.

Quan điểm thứ hai: Chưa đủ căn cứ để xử lý đối với Lê Thị N về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Vì, tại địa phương, N có hoạt động sản xuất, kinh doanh thật nên không thể xác định N đã dùng tài sản vay được vào mục đích bất hợp pháp, chưa có chứng cứ nào để chứng minh N đã dùng tài sản vay được để đi xin việc cho con ngoài lời khai của Lê Thị N. Còn việc N ký giấy nhận nợ và hẹn ngày trả là một việc làm công khai nên không thể coi là “gian dối”. Việc N không trả nợ đúng hẹn cũng có thể do yếu tố khách quan, bản thân Lê Thị N cũng rất muốn trả nợ và việc hứa hẹn là để động viên người cho vay.

Từ những khó khăn, vướng mắc như đã phân tích ở trên, thiết nghĩ, các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu để sớm có hướng dẫn cụ thể việc xử lý đối với loại tội này, nhất là các căn cứ để xác định các hành vi trong nhóm hành vi thứ hai như đã nêu trên. Qua bài viết, tác giả rất mong nhận được sự trao đổi, góp ý của bạn đọc nhằm nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát nhân dân, tránh oan, sai, và bảo vệ được lợi ích hợp pháp của người dân./. 

Vi Văn Cảnh

 

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,699,826
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.224.63.87

    Thư viện ảnh