.

Thứ năm, 25/04/2024 -19:39 PM

Trao đổi quan điểm bài viết “Trách nhiệm dân sự thuộc về ai?”

 | 

Sau khi đọc bài viết “Trách nhiệm dân sự thuộc về ai” của tác giả Lê Đình Duy- Viện KSND huyện Yên Thế, tôi đồng ý với quan điểm thứ nhất “Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ là B phải bồi thường do B giao xe cho A để thực hiện công việc của xưởng gỗ của B”, bởi những lý do sau:

>>> Trách nhiệm dân sự thuộc về ai?

- Căn cứ Khoản 3 Điều 601 BLDS 2015 thì “Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi”.

- Theo Điều 189 BLDS 2015 thì “Quyền sử dụng là quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản”.

- Theo Hướng dẫn tại Điểm đ Khoản 1 Điều 1 Mục III Nghị quyết số 03 ngày 08/7/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy đinh của Bộ luật dân sự 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồngthì:

“Nếu chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ đã giao nguồn nguy hiểm cao độ cho người khác mà gây thiệt hại thì phải xác định trong trường hợp cụ thể đó người được giao nguồn nguy hiểm cao độ có phải là người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ hay không để xác định ai có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Ví dụ: A là chủ sở hữu xe ô tô đã giao xe ô tô đó cho B. B lái xe ô tô tham gia giao thông đã gây tai nạn và gây thiệt hại thì cần phải phân biệt:

- Nếu B chỉ được A thuê lái xe ô tô và được trả tiền công, có nghĩa B không phải là người chiếm hữu, sử dụng xe ô tô đó mà A vẫn chiếm hữu, sử dụng; do đó, A phải bồi thường thiệt hại.

- Nếu B được A giao xe ô tô thông qua hợp đồng thuê tài sản, có nghĩa A không còn chiếm hữu, sử dụng xe ô tô đó mà B là người chiếm hữu, sử dụng hợp pháp; do đó, B phải bồi thường thiệt hại. Nếu trong trường hợp này được sự đồng ý của A, B giao xe ô tô cho C thông qua hợp đồng cho thuê lại tài sản, thì C là người chiếm hữu, sử dụng hợp pháp xe ô tô đó; do đó, C phải bồi thường thiệt hại”.

Trong vụ việc này, A mặc dù là công nhân bóc gỗ, chỉ có hợp đồng lao động bằng miệng, nhưng A đã được B giao cho xe ô tô tải biển kiểm soát 98B- 05696 để chở gỗ bóc. Mặc dù A đã được B giao cho xe ô tô tải biển kiểm soát 98B- 05696 để thực hiện công việc cho xưởng gỗ của B, nhưng A chỉ là người làm công ăn lương, không được hưởng hoa lợi, lợi tức từ xe ô tô… B vẫn là người chiếm hữu, sử dụng xe ô tô tải biển kiểm soát 98B- 05696. Do vậy khi A điều khiển xe ô tô tải biển kiểm soát 98B- 05696 có lỗi gây thiệt hại cho C thì B là người phải bồi thường cho C.

Trên đây là quan điểm của cá nhân tôi, rất mong nhận được ý kiến trao đổi của các đồng nghiệp./.

Nguyễn Thị Thanh Mai- VKSND huyện Lục Nam

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,758,741
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.149.230.44

    Thư viện ảnh