.

Thứ năm, 25/04/2024 -16:46 PM

Hồ sơ đưa người bị kết án phạt tù đi chấp hành án có bắt buộc phải có bản chính bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật không?

 | 

Luật Thi hành án hình sự được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14/6/2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020; tuy nhiên trong quá trình kiểm sát việc thi hành án hình sự thấy còn có khó khăn, vướng mắc trong việc hoàn thiện thủ tục đưa người bị kết án đi chấp hành bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật; xin được trao đổi cùng đồng nghiệp.

Sau khi ra Quyết định thi hành án phạt tù, Tòa án đều gửi cho Cơ quan Thi hành án hình sự (THAHS) có trách nhiệm thi hành kèm theo bản án (hình sự sơ thẩm, hình sự phúc thẩm) và các tài liệu khác có liên quan. Tuy nhiên, không ít trường hợp, Tòa án có thẩm quyền ra quyết định thi hành án chỉ gửi cho Cơ quan THAHS bản án là bản sao do Tòa án chỉ nhận được 01 bản chính bản án nên phải lưu hồ sơ gốc, chỉ có thể gửi bản sao bản án (đóng dấu sao y) cho Cơ quan THAHS và cơ quan, người có liên quannên Cơ quan THAHS có thẩm quyền không thể áp giải người bị kết án đi chấp hành án. Bởi lẽ, theo hướng dẫn số 156/HD-C10 ngày 08/01/2020 của Cơ quan quản lý THAHS, Bộ Công an thì bản án trong hồ sơ đưa người bị kết án đi chấp hành án phải là bản chính; do vậy, Cơ quan THAHS có thẩm quyền phải có văn bản đề nghị Tòa án ra quyết định thi hành án cung cấp bản chính bản án, nếu không cung cấp được bản chính bản án thì Tòa án phải có văn bản nêu rõ lý do. Nếu trong hồ sơ thi hành án không có bản chính bản án mà không có văn bản nêu rõ lý do của Tòa án có thẩm quyền thì dù có đưa người bị kết án đi chấp hành án theo quyết định của Cơ quan quản lý THAHS Bộ Công an, trại giam sau khi kiểm tra hồ sơ cũng không tiếp nhận đối với trường hợp này.

Do quy định tại hướng dẫn số 156/HD-C10 nêu trên dẫn tới khó khăn khi hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ đưa người bị kết án đi chấp hành án, nhiều trường hợp người bị kết án phạt tù được tại ngoại, trong một thời gian dài Cơ quan THAHS mới thực hiện được việc áp giải họ đi chấp hành án, gây khó khăn cho công tác quản lý người bị kết án ở địa phương. 

Để giải quyết khó khăn, vướng mắc trên, tôi xin trao đổi với đồng nghiệp như sau:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật THAHS, hồ sơ đưa người bị kết án đến nơi chấp hành án phạt tù gồm các tài liệu sau:

1. Bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật; trường hợp xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm thì phải có bản án sơ thẩm kèm theo;

2. Quyết định thi hành án phạt tù;

3. Quyết định của cơ quan quản lý thi hành án hình sự đưa người chấp hành án phạt tù đến trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện;

4. Danh bản của người chấp hành án phạt tù;

5. Bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ chứng minh quốc tịch đối với người chấp hành án phạt tù là người nước ngoài;

6. Phiếu khám sức khỏe và tài liệu khác có liên quan đến sức khỏe của người chấp hành án phạt tù;

7. Bản nhận xét việc chấp hành nội quy của trại tạm giam, nhà tạm giữ đối với người bị tạm giam;

8. Tài liệu khác có liên quan.

Như vậy, tại điểm a Điều 26 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 quy định hồ sơ đưa người bị kết án đến nơi chấp hành án phạt tù phải có “bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật; trường hợp xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm thì phải có bản án sơ thẩm kèm theo” chứ không quy định bắt buộc phải là bản chính bản án. Chúng ta cần hiểu tài liệu“bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật” chính là bản chính hoặc bản sao y (trong trường hợp hồ sơ không có bản án chính) bởi lý do sau:

Thứ nhất, tại Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ quy định về công tác văn thư, tại Điều 3 đã Giải thích từ ngữ: “Bản gốc văn bản” là bản hoàn chỉnh về nội dung, thể thức văn bản, được người có thẩm quyền trực tiếp ký trên văn bản giấy hoặc ký số trên văn bản điện tử. “Bản chính văn bản giấy” là bản hoàn chỉnh về nội dung, thể thức văn bản, được tạo từ bản có chữ ký trực tiếp của người có thẩm quyền. “Bản sao y” là bản sao đầy đủ, chính xác nội dung của bản gốc hoặc bản chính văn bản, được trình bày theo thể thức và kỹ thuật quy định.

Thứ hai, tại Điều 26 của Nghị định số 30/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định rất rõ về giá trị pháp lý của bản sao: “Bản sao y, bản sao lục và bản trích sao được thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định này và có giá trị pháp lý như bản chính”.

Từ sự phân tích nêu trên, theo quan điểm của tôi, trong quá trình kiểm sát việc thi hành án hình sự, nếu phát hiện việc chậm lập hoàn chỉnh hồ sơ, lập danh sách đề nghị đưa người chấp hành án đi chấp hành án phạt tù hoặc Cơ quan THAHS có thẩm quyền chậm áp giải người bị kết án đi chấp hành án với lý do hồ sơ thiếu bản chính bản án nhưng trong hồ sơ đã có bản sao có giá trị pháp lý như bản chính, Kiểm sát viên Viện kiểm sát có thẩm quyền được phân công kiểm sát việc thi hành án hình sự cần kịp thời báo cáo lãnh đạo Viện để thực hiện quyền kiến nghị yêu cầu hoàn chỉnh hồ sơ, lập danh sách đề nghị đưa người chấp hành án đi chấp hành án hoặc ra văn bản yêu cầu áp người bị kết án đi thi hành án.

Trên đây là một số nội dung trao đổi về khó khăn, vướng mắc trong công tác kiểm sát việc thi hành án hình sự, xin được chia sẻ và mong nhận được sự nghiên cứu, trao đổi của các đồng nghiệp./.

Lương Kim Thanh- Phòng 8, Viện KSND tỉnh Bắc Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,757,913
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.135.183.89

    Thư viện ảnh