.

Thứ bảy, 20/04/2024 -23:07 PM

Những điểm mới của Bộ luật Lao động năm 2019 về bảo đảm quyền làm mẹ cho lao động nữ

 | 

Pháp luật lao động ngày càng được hoàn thiện đã tạo cơ sở pháp lý cần thiết để bảo đảm tốt quyền lợi cho lao động nữ (LĐN) trong đó có quyền làm mẹ. Trong quá trình thực hiện, nhiều quyền lợi tạo điều kiện, ưu tiên cho LĐN thực hiện chức năng của người mẹ đều được các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, ban ngành thực hiện tương đối kịp thời, đầy đủ và nghiêm túc. Công tác tuyên truyền, sinh hoạt cơ sở, tạo điều kiện cho LĐN được tiếp cận, hiểu rõ hơn về quyền lợi của mình. Đồng thời, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm về bảo đảm quyền làm mẹ của LĐN đã được triển khai và đạt được những hiệu quả đáng kể.

Trên cơ sở, tiếp thu các thành quả đã đạt được ở Bộ luật lao động (BLLĐ) 2012, BLLĐ 2019 tiếp tục ghi nhận các quyền của LĐN như: được áp dụng chế độ bảo vệ thai sản, được ưu tiên không bị xử lý kỷ luật lao động trong thời kỳ mang thai, có quyền đơn phương chấm dứt, tạm hoãn hợp đồng lao động (HĐLĐ), được hưởng chế độ khám thai, có quyền nghỉ thai sản trước khi sinh… Bên cạnh đó, BLLĐ 2019 cũng có một số những thay đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hơn các quy định của pháp luật về bảo đảm quyền làm mẹ cho LĐN, cụ thể:

Thứ nhất, việc thực hiện bảo đảm quyền làm mẹtrong lĩnh vực việc làm: Trong BLLĐ 2019 đã cho LĐN có quyền từ chối làm công việc có ảnh hưởng xấu đến chức năng sinh sản và nuôi con, cụ thể tại khoản 2 Điều 142 quy định: “Người sử dụng lao động (NSDLĐ) phải cung cấp đầy đủ thông tin về tính chất nguy hiểm, nguy cơ, yêu cầu của công việc để người lao động (NLĐ) lựa chọn và phải bảo đảm điều kiện an toàn, vệ sinh lao động cho NLĐ theo quy định khi sử dụng họ làm công việc thuộc danh mục quy định tại khoản 1 Điều này”. Theo BLLĐ 2012 thì quy định một cách cứng nhắc về công việc không được sử dụng LĐN. BLLĐ 2109 được sửa đổi theo hướng để LĐN có có quyền tự quyết định lựa chọn làm các công việc có ảnh hưởng xấu đến chức năng sinh sản và nuôi con nhỏ trên cơ sở được thông tin đầy đủ về các công việc đó và điều kiện bảo hộ lao động.

Như vậy, với việc thay đổi cách tiếp cận từ việc ban hành Danh mục công việc không được sử dụng LĐN sang việc Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành danh mục nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con; NSDLĐ có nghĩa vụ thông tin cho NLĐ biết về Danh mục này và các điều kiện làm việc, bảo hộ lao động liên quan để LĐN cân nhắc, tự quyết định trước khi giao kết HĐLĐ.Với quy định này, LĐN có cơ hội làm những công việc có thu nhập, thậm chí là thu nhập cao mà hiện nay họ không được làm, do đó, bản thân LĐN và gia đình họ có nguồn thu nhập tăng lên.

Nhìn chung, những quy định của pháp luật Việt Nam về việc làm cho LĐN đã bảo đảm được quyền làm mẹ trong lĩnh vực việc làm, hoàn toàn phù hợp với Công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Qua đó có thể thấy việc xác định công tác giải quyết việc làm cho phụ nữ là một nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt.

Thứ hai, việc thực hiện bảo đảm quyền làm mẹ trong lĩnh vực an toàn lao động và vệ sinh lao động:

Theokhoản 2 Điều 137 BLLĐ 2019 quy định: “LĐN làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai và có thông báo cho NSDLĐ biết thì được NSDLĐ chuyển sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn hoặc giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi”. Như vậy, so với BLLĐ 2012, không chỉ những trường hợp LĐN mang thai từ tháng thứ 07 trở lên mới được hưởng quyền lợi nêu trên, mà còn bổ sung thêm trường hợp LĐN mang thai chưa đủ 07 tháng, LĐN đang nuôi con. Việc thay đổi này, NLĐ sẽ không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi.Với quy định mới nêu trên sẽ giúp người LĐN mang thai, LĐN đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi có điều kiện thuận lợi để bảo vệ sức khỏe cho mình và thuận tiện trong việc chăm sóc thai nhi, con nhỏ.

Với mục đích nhằm bảo vệ thai sản tốt nhất cho LĐN, BLLĐ 2012 quy định cứng theo hướng nếu LĐN đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì đương nhiên NSDLĐ không được sử dụng LĐN làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa.

Tuy nhiên, xuất phát từ điều kiện thực tiễn, việc chăm sóc con cái không chỉ riêng với LĐN mà cả lao động nam trong điều kiện kinh tế, xã hội có nhiều tiến bộ, các giải pháp, biện pháp hỗ trợ chăm sóc con cái đã tốt hơn rất nhiều, điều này tạo cơ sở cho NLĐ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi trong từng điều kiện cụ thể hoàn toàn có thể tham gia làm việc ban đêm, làm thêm giờ hoặc đi công tác xa.

Do đó, vừa để bảo vệ tốt thai sản nhưng cũng xuất phát từ nhu cầu và khả năng đáp ứng của NLĐ, dự thảo BLLĐ 2019 đã bổ sung quy định có thể cho phép LĐN được làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong trường hợp đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi nhưng với điều kiện trực tiếp NLĐ phải đồng ý.

Vấn đề an toàn lao động, vệ sinh lao động hiện nay nhìn chung được quan tâm đáng kể: điều kiện làm việc cho LĐN ở các doanh nghiệp đã được cải thiện hơn so với trước đây, định kỳ hằng năm NSDLĐ đã tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho người LĐN, kể cả người học nghề, tập nghề; LĐN phải được khám chuyên khoa phụ sản, người làm công việc nặng nhọc, độc hại… phải được khám sức khỏe ít nhất 06 tháng một lần. Đây là những tín hiệu đáng mừng trong việc thực hiện hiệu quả quy định của pháp luật liên quan tới việc bảo đảm quyền của LĐN, LĐN có cơ sở thực hiện quyền làm mẹ một cách tốt hơn nếu sức khỏe, an toàn được bảo đảm.

Thứ ba, việc thực hiện bảo đảm quyền làm mẹ trong các quy định về BHXH đã tương thích và phù hợp với đặc điểm riêng của LĐN ở các chế độ khác nhau:

Việc quy định về chế độ thai sản đối với nam giới, được quy định tại khoản 5 điều 139 BLLĐ 2019, đây cũng là một trong những điểm mới của luật BHXH năm 2016. Lần đầu tiên trong chính sách BHXH, nam giới được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản để chăm sóc gia đình khi vợ sinh con, đây là một trong những nội dung đáng chú ý và mang tính nhân văn của Luật.

Nhìn chung, trong quá trình thực thi chế độ bảo hiểm thai sản, số LĐN tham gia BHXH và được hưởng bảo hiểm thai sản ngày càng tăng cho thấy chế độ này đã và đang bảo vệ tốt quyền làm mẹ của LĐN.

Thứ tư, thực hiện bảo đảm quyền làm mẹ trong quy định về HĐLĐ:

Một trong những điểm mới đáng chú ý của Bộ luật Lao động 2019 là quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ sẽ bị hạn chế trong trường hợp NLĐ có thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.

Theo Khoản 3 Điều 137 BLLĐ 2019, NSDLĐ không được đơn phương chấm dứt HĐLĐ khi “người LĐN mang thai; NLĐ đang nghỉ thai sản hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi”. Theo đó, khi NLĐ đang có thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi mà có rơi vào trường hợp bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ, NSDLĐ cũng không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của mình.

Trước đó, Khoản 3 Điều 155 chỉ quy định: “ NSDLĐ không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt HĐLĐ đối với LĐN vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi...”. Tuy nhiên, thực tế có nhiều trường hợp LĐN trong lúc đang mang thai hay nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi vẫn bị NSDLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ vì lý do khác như thường xuyên không hoàn thành nhiệm vụ theo HĐLĐ chẳng hạn.

Nhìn chung so với BLLĐ 2012 thì BLLĐ 2019 đã có những quy định tương đối hoàn thiện, tạo điều kiện hơn về mặt thời gian và thu nhập cho LĐN và điều này tạo cơ sở pháp lý cần thiết cho việc bảo đảm tốt lợi ích của đối tượng đặc thù này, bảo đảm tối đa quyền của LĐN trong việc thực hiện thiên chức của người mẹ, tạo ra sự linh hoạt để LĐN có thể hoàn thành tố nghĩa vụ của công dân, đóng góp cho xã hội./.

Nguyễn Thị Minh Tuyết- Viện KSND huyện Lạng Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,703,738
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.15.226.173

    Thư viện ảnh