.

Thứ năm, 25/04/2024 -23:30 PM

VKSND thành phố Bắc Giang tổ chức triển khai văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật

 | 

Thực hiện chỉ đạo của VKSND tỉnh Bắc Giang và nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự theo yêu cầu cải cách tư pháp, ngày 07/8/2020, VKSND thành phố Bắc Giang tổ chức hội nghị triển khai Thông tư liên tịch số 01/2020 ngày 01/6/2020 của liên ngành Trung ương về phối hợp quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ và Quy trình tạm thời Số 624 ngày 21/7/2020 của Viện trưởng Viện KSND tối cao về kiểm sát hoặc trực tiếp ghi âm, ghi hình có âm thanh trong giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố.

Xét thấy đây là 02 văn bản quan trọng, cần phải triển khai và tổ chức thực hiện kịp thời, nên ngoài việc yêu cầu cán bộ, Kiểm sát viên chủ động tự nghiên cứu, lãnh đạo đơn vị đã quyết định tổ chức hội nghị tập trung để triển khai những nội dung cơ bản, bàn biện pháp phối hợp để thực hiện có hiệu quả nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc mà lâu nay các cơ quan tố tụng chưa có hướng giải quyết cụ thể.

Toàn cảnh tại Hội nghị

Tại hội nghị, lãnh đạo đơn vị đã tóm tắt những nội dung thuộc trách nhiệm của Viện KSND liên quan đến 02 văn bản nói trên, theo đó, yêu cầu Kiểm sát viên khi thực hiện nhiệm vụ kiểm sát cần lưu ý các nội dung sau đây:

1. Đối với Thông tư số 01/2020

- Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng: Thông tư quy định công tác phối hợp trong quản lý, giải quyết các vụ việc tạm đình chỉ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (vụ việc), các vụ án tạm đình chỉ (vụ án); việc quản lý, xử lý vật chứng, tài sản, tài liệu và việc áp dụng, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế trong các vụ việc, vụ án TĐC. Đối tượng áp dụng là các cơ quan có thẩm quyền điều tra trong TTHS, Viện kiểm sát, Tòa án, Cơ quan thi hành án dân sự các cấp và những người có thẩm quyền tố tụng trong các cơ quan này.

- Việc cử đầu mối phối hợp, quản lý vụ việc, vụ án TĐC: Mỗi cơ quan thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư  phải cử đầu mối để: Thường xuyên trao đổi thông tin liên quan đến các vụ việc, vụ án TĐC; hằng tháng, 06 tháng, 01 năm rà soát, đối chiếu, phân loại các vụ việc, vụ án TĐC để đôn đốc phục hồi (nếu lý do TĐC không còn), thống nhất xử lý từng vụ việc, vụ án cụ thể và xây dựng báo cáo thống kê theo quy định của liên ngành và của từng ngành.

- Hoạt động khi có căn cứ TĐC: Đối với vụ việc TĐC thì trước khi hết hạn giải quyết 05 ngày, Kiểm sát viên, Điều tra viên phải phối hợp rà soát căn cứ bảo đảm đúng quy định và lập biên bản lưu hồ sơ; đối với vụ án TĐC, trường hợp cần phối hợp để xử lý vật chứng, đồ vật, tài sản, biện pháp ngăn chặn, biện pháp giải quyết lý do TĐC… thì trước khi hết thời hạn điều tra nhậm nhất là 10 ngày, cơ quan có thẩm quyền điều tra trao đổi bằng văn bản trước khi ra quyết định TĐC.

- Ra quyết định TĐC: Nếu TĐC cả vụ án thì phải ra quyết định TĐC điều tra vụ án và quyết định TĐC điều tra bị can; trường hợp TĐC từng bị can thì phải ra quyết định TĐC vụ án đối với từng bị can; quyết định TĐC phải thực hiện theo mẫu.

- Hoạt động sau khi TĐC: Khi vụ việc, vụ án TĐC, cơ quan có thẩm quyền điều tra, Viện kiểm sát chỉ được phép áp dụng các biện pháp để giải quyết lý do TĐC (không được thực hiện các hoạt động điều tra không liên quan đến lý do TĐC).

- Phục hồi, đình chỉ điều tra đối với vụ việc, vụ án đã TĐC trong giai đoạn điều tra:

+ Đối với vụ việc TĐC đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan có thẩm quyền điều tra ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự sau khi có văn bản trao đổi với Viện kiểm sát cùng cấp. Việc xác định thời hiệu căn cứ vào nội dung tin báo về loại tội theo khoản của điều luật trong BLHS mà đã được cơ quan có thẩm quyền làm rõ; trường hợp không có căn cứ để xác định khoản thì căn cứ khung hình phạt trong cấu thành cơ bản.

+ Đối với vụ án TĐC đã hết thời hiệu thì cơ quan có thẩm quyền điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra (không phải phục hồi) sau khi có văn bản trao đổi với Viện kiểm sát cùng cấp. Việc xác định thời hiệu căn cứ vào quy định từng loại tội của BLHS và được ghi trong Quyết định KTVA, Quyết định KTBC; trường hợp các quyết định trên không ghi khoản của điều luật thì căn cứ vào cấu thành cơ bản của điều luật đã được làm rõ.

Lưu ý: đối với các vụ án TĐC có căn cứ đình chỉ điều tra theo các nghị quyết của Quốc hội về thi hành BLHS 1999, 2009, 2015 (sửa đổi 2017) và còn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan có thẩm quyền điều tra ra quyết định phục hồi (sau khi có văn bản trao đổi với Viện kiểm sát) và thực hiện ngay các biện pháp điều tra, xác minh, kết luận điều tra và đình chỉ vụ án.

- Phục hồi, đình chỉ điều tra đối với vụ án đã TĐC trong giai đoạn truy tố, xét xử: Trường hợp TĐC theo điểm b, c khoản 1 Điều 247 Bộ luật TTHS thì trước khi hết thời hạn quyết định việc truy tố, Viện kiểm sát xem xét quyết định TĐC hoặc gia hạn thời hạn quyết định việc truy tố (giai doạn xét xử thì Thẩm phán hoặc HĐXX thực hiện). Việc phục hồi, đình chỉ vụ án được thực hiện theo quy định của Bộ luật TTHS và Thông tư này như đã nêu trên.

- Việc thông báo, gửi các quyết định tố tụng: Thực hiện theo quy định của Bộ luật TTHS; nếu cơ quan có thẩm quyền điều tra đình chỉ thì phải chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát chậm nhất là sau 02 ngày kể từ ngày ra quyết định.

- Việc áp dụng, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế: Sau khi có quyết địnhTĐC, cơ quan có thẩm quyền tố tụng phải xem xét quyết định hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn đã áp dụng (trường hợp tiếp tục kê biên, phong tỏa tài khoản thì phải có sự thống nhất bằng văn bản giữa các cơ quan có thẩm quyền tố tụng).

- Việc lập hồ sơ TĐC: Tất cả các vụ việc, vụ án TĐC phải lập hồ sơ kiểm sát (hồ sơ chính nếu Viện kiểm sát TĐC) theo quy định; nếu TĐC vụ án đối với từng bị can thì phải lập hồ sơ đối với từng bị can, hồ sơ phải lưu giữ đầy đủ tài liệu (bản gốc hoặc bản sao y bản chính).

2. Đối với Quy trình tạm thời số 264

- Phạm vi điều chỉnh và đối trượng áp dụng: Quy định về trình tự, thủ tục kiểm sát việc ghi âm, ghi hình có âm thanh (ghi âm, ghi hình) của cơ quan có thẩm quyền điều tra; trực tiếp ghi âm, ghi hình khi hỏi cung, lấy lời khai trong các giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố; bảo quản, lưu trữ, sử dụng kết quả ghi âm, ghi hình của Viện kiểm sát các cấp. Đối tượng áp dụng là Viện trưởng, Phó Viện trưởng và Kiểm sát viên của Viện kiểm sát các cấp và các tổ chức, cá nhân có liên quan khi thực hiện việc ghi âm, ghi hình

- Những trường hợp phải ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh: việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở cơ quan có thẩm quyền điều tra;

- Những trường hợp có thể ghi âm hoặc ghi hình: Hỏi cung bị can tại địa điểm khác thì thực hiện ghi âm, ghi hình theo yêu cầu của bị can; trực tiếp tiếp nhận tố giác, tin báo tội phạm, lấy lời khai người làm chứng, bị hại, đương sự và đối chất theo quy định của Bộ luật TTHS.

- Những trường hợp phải kiểm sát việc ghi âm, ghi hình: bị can, người đại diện pháp nhân kêu oan hoặc khiếu nại hoạt động điều tra; có căn cứ xác định việc điều tra có vi phạm pháp luật và một số các trường hợp khác như tài liệu, chứng cứ mâu thuẫn, bị can lúc nhận tội lúc không, bị can bị khởi tố về tội đặc biệt nghiêm trọng… .

- Kiểm sát viên trực tiếp ghi âm, ghi hình nếu xét thấy cần thiết trong các trường hợp nêu trên và thực hiệc các bước như:

+ Xây dựng kế hoạch, lựa chọn địa điểm, hình thức (ghi âm hoặc ghi hình), đăng ký với cơ sở giam giữ hoặc cơ quan có thẩm quyền điều tra để được bố trí phòng chuyên dụng;

+ Nếu vụ án đang điều ra thì thông báo cho Điều tra viên (và các thành phần tham gia tố tụng khác nếu có) để được bố trí phòng ghi âm, ghi hình; trích xuất hoặc triệu bị can, đại diện pháp nhân (lưu ý không được đưa bị can tại ngoại, đại diện pháp nhân vào cơ sở giam giữ trừ trường hợp đối chất với bị can tạm giam).

- Khi kiểm sát việc ghi âm, ghi hình, Kiểm sát viên cần lưu ý kiểm sát hoạt động của Điều tra viên như:

+ Việc chuẩn bị kế hoạch hỏi cung, trang thiết bị; kiểm sát thành phần tham gia và việc bố trí chỗ ngồi cho họ… Chỗ ngồi của Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên ngồi cạnh nhau cùng phía và đối diện với bị can, đại điện pháp nhân, người tham gia tố tụng khác ngồi vuông góc với Điều tra viên.

+ Kiểm sát việc thực hiện các bước theo yêu cầu như: Khi nhấn nút ghi âm, ghi hình (hoặc tạm dừng, kết thúc) thì phải đọc rõ thời gian,thông báo cho bị can, người được lấy lời khai việc bắt đầu, tạm dừng, bắt đầu lại, kết thúc và ghi rõ những nội dung này vào biên bản; nếu tạm dừng thì phải nói và ghi rõ lý do.

+ Trường hợp đang hỏi cung, lấy lời khai mà có sự cố kỹ thuật thì phải dừng ngay và ghi rõ vào biên bản có xác nhận của cán bộ kỹ thuật (trừ trường hợp việc ghi âm, ghi hình được thực hiện tại các địa điểm khác; trường hợp này nếu tiếp tục thì phải được sự đồng ý của bị can, đại diện pháp nhân). Trường hợp bị can, người được lấy lời khai bổ sung nội dung, đề nghị sửa chữa hoặc viết thêm vào biên bản thì cũng phải ghi âm, ghi hình.

Thông tư và Quy trình tạm thời có hiệu lực thi hành lần lượt từ 15/7 và 21/7/2020./.

Nguyễn Trường Th- VKSND thành phố Bắc Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,759,273
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.145.15.205

    Thư viện ảnh