.

Thứ bảy, 20/04/2024 -10:26 AM

Một số điểm mới của Thông tư liên tịch số 04/2018 của Liên ngành trung ương về phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự

 | 

Ngày 19/10/2018, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP quy định về phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (Sau đây gọi tắt là TTLT số 04). Thông tư liên tịch này có hiệu lực kể từ ngày 10/12/2018 thay thế cho Thông tư liên tịch số 05/2005 (Sau đây gọi tắt là TTLT số 05). Thông tư liên tịch số 04 có 39 điều, kế thừa những nội dung của TTLT số 05 và có những điểm mới quan trọng sau đây:

>>> Bảng so sánh nội dung của TTLT số 04 và TTLT số 05

1.Về phạm vi phối hợp

Điều 1 TTLT số 04 quy định rõ phạm vi phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát là khởi tố, điều tra, truy tố. Như vậy so với trước đây, phạm vi phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát được mở rộng và được thực hiện cả trong giai đoạn truy tố. Quy định này phù hợp với hướng dẫn tại Điều 11, Điều 12 Thông tư liên tịch số 02/2017 của Liên ngành trung ương hướng dẫn các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về trả hồ sơ điều tra bổ sung.

2. Về thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng (Điều 4):

TTLT 04 quy định cụ thể tại mục 7 Điều 4: “Trường hợp Thủ trưởng Cơ quan điều tra và Viện trưởng Viện kiểm sát trực tiếp tiến hành tố tụng đối với vụ án thì Thủ trưởng Cơ quan điều tra phải có văn bản thông báo gửi cho Viện kiểm sát và Viện trưởng Viện kiểm sát phải có văn bản thông báo gửi cho Cơ quan điều tra”. Quy định này khắc phục vướng mắc trước đây là trong trường hợp Thủ trưởng Cơ quan điều tra hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát trực tiếp tiến hành tố tụng thì ai là người ký quyết định phân công tiến hành tố tụng vụ án.

3. Về việc thay đổi, hủy bỏ lệnh, quyết định của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra

TTLT số 04 quy định cụ thể các trường hợp thay đổi, hủy bỏ lệnh, quyết định của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra với phạm vi thay đổi hủy bỏ rộng hơn so với hướng dẫn của TTLT số 05, diện được bổ sung là các lệnh, đối tượng được bổ sung bao gồm cả Thủ trưởng Cơ quan điều tra. Căn cứ thay đổi, hủy bỏ cũng được mở rộng khi Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát phát hiện thấy có căn cứ cần thay đổi, hủy bỏ thì thực hiện quy trình thay đổi, hủy bỏ như: có văn bản đề nghị rút lệnh, quyết định đó và ra quyết định thay đổi, hủy bỏ (theo hướng dẫn trước đây, quyết định bị hủy bỏ, thay đổi phải là quyết định không có căn cứ và trái pháp luật).

4. Về khởi tố vụ án; thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố vụ án hình sự; Thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự (Điều 7, 8):

Trường hợp Viện kiểm sát đồng ý với quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định không khởi tố vụ án hình sự: Tại điểm a Điều 7 TTLT số 04 quy định:“nếu thấy quyết định khởi tố vụ án hình sự có căn cứ và hợp pháp thì Viện kiểm sát ra quyết định phân công Kiểm sát viên, Kiểm tra viênvà gửi cho Cơ quan điều tra”. Như vậy, bằng quyết định phân công Kiểm sát viên, Viện kiểm sát đã thể hiện quan điểm đồng ý đối với việc khởi tố vụ án hình sự mà không phải ra văn bản thông báo nào khác như hướng dẫn của TTLT số 05. Ngoài ra thời hạn để Viện kiểm sát có thông báo kiểm sát việc không khởi tố là 02 ngày thay vì 03 ngày như TTLT số 05.

Trường hợp quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định không khởi tố vụ án hình sự chưa đủ căn cứ thì Viện kiểm sát yêu cầu Cơ quan điều tra bổ sung chứng cứ, tài liệu để làm rõ (điểm b khoản 1, điểm b khoản 2 Điều 7 TTLT số 04). Tuy nhiên TTLT số 04 chưa hướng dẫn thời hạn Cơ quan điều tra bổ sung tài liệu, chứng cứ gây khó khăn cho quá trình thực hiện nhất là trong trường hợp Cơ quan điều tra đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự và việc ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự được coi là “kết thúc” việc giải quyết tố giác, tin báo .

TTLT số 04 quy định rõ hơn việc không thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự nếu qua điều tra xác định được hành vi của bị can phạm vào khoản khác của tội danh đã khởi tố (có thể nặng hơn có thể nhẹ hơn). Quy định này khắc phục thiếu sót của TTLT số 05 khi chỉ hướng dẫn “không áp dụng việc thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự nếu qua điều tra xác định được hành vi của bị can vào tội nặng hơn trong cùng tội danh đã khởi tố”.

5. Về khởi tố bị can, thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can (Điều 9); Về giao nhận, xét phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can (Điều 10):

- TTLT số 04 quy định bổ sung thêm trường hợp “một người thực hiện nhiều hành vi phạm tội khác nhau mà hành vi phạm tội trước là để thực hiện hành vi phạm tội sau hoặc các hành vi phạm tội có liên quan đến nhau, thì chỉ ra một quyết định khởi tố vụ án hình sự, một quyết định khởi tố bị can đối với các hành vi phạm tội, trong đó ghi rõ từng tội danh và điều, khoản của Bộ luật Hình sự được áp dụng”;

 - TTLT số 04 bổ sung quy định: “Cơ quan điều tra chủ động trao đổi với Viện kiểm sát trước khi quyết định khởi tố bị can, quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can”. Đây là căn cứ thuận lợi để xây dựng quy chế phối hợp quy định cụ thể về thời gian, cách thức trao đổi trước khi khởi tố bị can. TTLT số 04 quy định thời gian Cơ quan điều tra phải chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với người đang bị tạm giữlà trước khi hết hạn tạm giữ 24 giờ (trước đây là 12 giờ). Ngoài ra còn quy định cụ thể trách nhiệm của Điều tra viên trong trường hợp Kiểm sát viên và Điều tra viên cùng hỏi cung bị can, lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại, người làm chứng, bị hại, đương sự: “Điều tra viên có trách nhiệm sao chụp và chuyển ngay biên bản hỏi cung, biên bản lấy lời khai đó cho Kiểm sát viên”.

6. Viện kiểm sát trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra (Điều 12):

BLTTHS 2015 đã quy định chi tiết về các trường hợp Kiểm sát viên trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra nên TTLT 04 không liệt kê các trường hợp Kiểm sát viên trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra mà chỉ quy định các trình tự, thủ tục tố tụng như sau:

- Trong giai đoạn điều tra, khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 165 Bộ luật Tố tụng hình sự thì Kiểm sát viên trực tiếp tiến hành hỏi cung bị can, lấy lời khai người bị tạm giữ, người bị bắt, bị hại, đương sự, người làm chứng, người chứng kiến, đối chất, thực nghiệm điều tra và các hoạt động điều tra khác theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Kiểm sát viên thông báo trước cho Điều tra viên trước khi tiến hành. Điều tra viên có trách nhiệm phối hợp với Kiểm sát viên để thực hiện các hoạt động điều tra khi được yêu cầu; trường hợp Điều tra viên vắng mặt thì chậm nhất 02 giờ trước khi Kiểm sát viên tiến hành một số hoạt động điều tra, Điều tra viên phải thông báo cho Kiểm sát viên biết.

- Trường hợp Viện kiểm sát trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định tại khoản 3 Điều 236, khoản 1 Điều 246 Bộ luật Tố tụng hình sự mà thấy cần phối hợp với Cơ quan điều tra thì chậm nhất 24 giờ trước khi tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát thông báo cho Cơ quan điều tra thời gian, địa điểm tiến hành một số hoạt động điều tra để phân công Điều tra viên cùng phối hợp thực hiện; trường hợp Điều tra viên vắng mặt thì chậm nhất 02 giờ trước khi Kiểm sát viên tiến hành một số hoạt động điều tra, Điều tra viên phải thông báo cho Kiểm sát viên biết. Biên bản tiến hành một số hoạt động điều tra của Kiểm sát viên phải được đưa vào hồ sơ vụ án. Đây có thể coi là quy định thể hiện rõ sự phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong giai đoạn truy tố để bổ sung tài liệu, chứng cứ mà không cần phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

7. Bổ sung quy định về thông báo, chuyển biên bản về các hoạt động điều tra (Điều 13):

- Chậm nhất 24 giờ trước khi tiến hành đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói và thực nghiệm điều tra, Điều tra viên phải thông báo cho Kiểm sát viên thời gian, địa điểm tiến hành. Trường hợp Kiểm sát viên không thể tham gia được, thì chậm nhất 02 giờ trước khi Điều tra viên tiến hành, Kiểm sát viên phải thông báo cho Điều tra viên biết lý do để ghi vào biên bản (Nội dung này để ràng buộc trách nhiệm của Kiểm sát viên trong hoạt động kiểm sát).

- Ngay sau khi Viện kiểm sát phê chuẩn lệnh khám xét, Điều tra viên trao đổi, thống nhất với Kiểm sát viên về thời gian và địa điểm tiến hành khám xét để Kiểm sát viên tham gia. Trường hợp bất khả kháng, Kiểm sát viên vắng mặt thì chậm nhất 02 giờ trước khi Điều tra viên tiến hành, Kiểm sát viên phải thông báo cho Điều tra viên biết lý do để ghi vào biên bản.

- Trường hợp Kiểm sát viên không tham gia kiểm sát các hoạt động điều tra nêu tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, thì sau khi kết thúc hoạt động điều tra, Điều tra viên phải chuyển biên bản, tài liệu về các hoạt động điều tra này cho Kiểm sát viên theo đúng quy định tại khoản 5 Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự.

8. Bổ sung quy định về tính thời hạn tố tụng trong trường hợp nhập vụ án hình sự, bị can phạm vào tội nặng hơn hoặc nhẹ hơn, khởi tố, điều tra bổ sung về một tội phạm khác (Điều 14):

TTLT số 04 đã quy định cụ thể cách tính thời hạn tố tụng trong các trường hợp nhập vụ án hình sự để điều tra theo quy định khoản 1 Điều 170; Trường hợp đang điều tra vụ án mà xác định hành vi của bị can phạm vào khoản có khung hình phạt nặng hơn trong cùng một điều luật; Trường hợp quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can sang tội nặng hơn ở điều luật khác;Trường hợp đang điều tra vụ án mà quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can về một tội phạm khác; Trường hợp thay đổi quyết định khởi tố bị can từ tội nặng hơn sang tội nhẹ hơn hoặc xác định được hành vi của bị can phạm vào khoản có khung hình phạt nhẹ hơn trong cùng tội danh.

9. Quy định về áp dụng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp (Điều 15):

Biện pháp "Giữ người trong trường hợp khẩn cấp" là một trong những biện pháp ngăn chặn được quy định chi tiết tại Điều 110 Bộ luật tố tụng hình sự (sau đây gọi tắt là BLTTHS) năm 2015 và thay thế cho biện pháp "Bắt người trong trường hợp khẩn cấp" quy định tại Điều 81 BLTTHS năm 2003. Để phù hợp với sự thay đổi này, TTLT số 04 đã quy định cụ thể về trình tự, thủ tục tố tụng khi áp dụng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp. Trong đó đáng chú  ý, tại điểm 4 Điều 15 TTLT số 04 quy định “Sau khi nhận được quyết định phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, Điều tra viên phải lập biên bản bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp tại cơ sở giam giữ. Người chứng kiến việc lập biên là cán bộ của cơ sở giam giữ”.

10. Bổ sung quy định về thời hạn áp dụng, hủy bỏ hoặc thay thế biện pháp ngăn chặn trong giai đoạn điều tra (Điều 20):

Trong giai đoạn điều tra, trước khi hết thời hạn áp dụng biện pháp ngăn chặn 10 ngày, Cơ quan điều tra phải có văn bản nêu rõ căn cứ, lý do và đề nghị Viện kiểm sát gia hạn thời hạn áp dụng, hủy bỏ hoặc thay thế biện pháp ngăn chặn.  Khi đình chỉ điều tra vụ án hoặc đình chỉ điều tra đối với bị can, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát hủy bỏ mọi biện pháp ngăn chặn đã được phê chuẩn, nêu rõ lý do, kèm theo các chứng cứ, tài liệu chứng minh căn cứ đình chỉ điều tra vụ án hoặc đình chỉ điều tra đối với bị can. Khoản 3 Điều 20 TTLT số 04 quy định chi tiết các văn bản, tài liệu cần có trong hồ sơ đề nghị gia hạn thời hạn áp dụng, hủy bỏ hoặc thay thế biện pháp ngăn chặn.

11.Về chuyển vụ án để điều tra, truy tố theo thẩm quyền; nhập,tách vụ án hình sự (Điều 29):

- Đối với chuyển vụ án để điều tra truy tố theo thẩm quyền, ngoài việc quy định thời hạn chuyển vụ án không thuộc thẩm quyền điều tra, TTLT số 04 quy định rõ hướng xử lý trong 02 trường hợp cụ thể là: (1) Trường hợp cơ quan điều tra có thẩm quyền nhất trí thì có văn bản đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp ra quyết định chuyển vụ án; (2) Trường hợp Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra không nhất trí tiếp nhận hồ sơ vụ án thì phải có văn bảnnêu rõ lý do, nếu việc từ chối không có căn cứ thì Cơ quan điều tra vẫn Cơ quan điều tra đang điều tra vụ án vẫn có văn bản gửi Viện kiểm sát cùng cấp để ra quyết định chuyển và Cơ quan điều tra có thẩm quyền phải tiếp nhận hồ sơ.

- TTLT số 04 bổ sung thêm quy định về phối hợp trong việc nhập, tách vụ án hình sự: “Trường hợp có căn cứ để nhập, tách vụ án hình sự theo quy định tại Điều 170, Điều 242 Bộ luật Tố tụng hình sự thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát trao đổi, thống nhất trước khi ra quyết định. Trường hợp có đủ căn cứ, điều kiện nhập, tách vụ án hình sự nhưng Cơ quan điều tra không thực hiện thì Viện kiểm sát có văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra ra quyết định nhập, tách vụ án hình sự để tiến hành điều tra”.

12. Bổ sung quy định về phối hợp trong giai đoạn chuẩn bị kết thúc điều tra vụ án (Điều 31): Đây là quy định hoàn toàn mới của TTLT số 04, đề cao sự phối hợp của Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc giải quyết vụ án hình sự. Theo đó, chậm nhất 10 ngày đối với vụ án ít nghiêm trọng và nghiêm trọng, 15 ngày đối với vụ án rất nghiêm trọng, 20 ngày đối với vụ án đặc biệt nghiêm trọng trước khi kết thúc điều tra hoặc hết thời hạn điều tra vụ án, Điều tra viên và Kiểm sát viên phải phối hợp để đánh giá toàn bộ chứng cứ, tài liệu và các thủ tục tố tụng của vụ án để thống nhất báo cáo lãnh đạo kết thúc vụ án hoặc gia hạn thời hạn điều tra, tạm giam theo quy định BLTTHS. Đối với vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp hoặc Điều tra viên và Kiểm sát viên không thống nhất quan điểm thì hai bên trao đổi báo cáo lãnh đạo để lãnh đạo tổ chức họp đánh giá kết quả điều tra vụ án, chỉ đạo giải quyết những vấn đề chưa thống nhất, khó khăn, vướng mắc. Điều tra viên, Kiểm sát viên phải lập biên bản thống nhất nội dung đánh giá chứng cứ, tài liệu và lưu hồ sơ nghiệp vụ của Cơ quan điều tra, hồ sơ kiểm sát.

Ngoài những nội dung trên, TTLT số 04 còn bổ sung các điều hướng dẫn các thủ tục tố tụng khác như: Bổ sung quy định về áp dụng biện pháp bảo lĩnh (Điều 21), biện pháp đặt tiền để bảo đảm (Điều 22); về áp dụng một số biện pháp ngăn chặn khi gia hạn thời hạn điều tra, gia hạn thời hạn quyết định việc truy tố (Điều 23); về áp dụng biện pháp tạm đình chỉ có thời hạn hoạt động của pháp nhân thương mại liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân thương mại; buộc nộp một khoản tiền để đảm bảo thi hành (Điều 24); về Quyết định, phê chuẩn áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt (Điều 25); thực hiện biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt (Điều 26);Hủy bỏ, kết thúc việc áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt (Điều 27); về việc quyết định áp dụng thủ tục rút gọn (Điều 28);về tạm đình chỉ điều tra (Điều 32); về đình chỉ điều tra (Điều 33); về chuyển, giao nhận biên bản, tài liệu trong trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 88 BLTTHS (Điều 34); Về thống kê, đóng dấu và đánh số bút lục hồ sơ vụ án trong giai đoạn điều tra, truy tố (Điều 35):

Trên đây là một số điểm mới được quy định tại Thông tư liên tịch số 04/TTLT ngày 19/10/2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao- Bộ Công an- Bộ quốc phòng quy định về phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015./.

(Kèm theo là Bảng so sánh nội dung của TTLT số 04 và TTLT số 05)

Đoàn Thế Đức- VKSND thành phố Bắc Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,701,004
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.117.196.184

    Thư viện ảnh