.

Thứ tư, 24/04/2024 -19:28 PM

Chứng minh và chứng cứ trong Bộ luật tố tụng hình sự 2015

 | 

Chứng cứ và chứng minh là một trong những vấn đề quan trọng nhất của tố tụng hình sự. Toàn bộ quá trình giải quyết vụ án hình sự thực chất là quá trình thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã có những đổi mới trong vấn đề chứng cứ và chứng minh.

Thứ nhất, điều chỉnh khái niệm về chứng cứ (Điều 86)

BLTTHS 2015 thay đổi định nghĩa về chứng cứ và theo đó mở rộng thẩm quyền về thu thập chứng cứ. Điều 86 quy định: “Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án”. Theo quy định của BLTTHS 2003thì việc thu thập chứng cứ chỉ có Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa ánthu thập và được sử dụng làm chứng cứ. BLTTHS 2015 bổ sung người bị buộc tội, người bào chữa;nhữngngười tham gia tố tụng kháccũng có quyền thu thập hoặc cung cấp chứng cứ;cơ quan, tổ chức hoặc bất cứ cá nhân nào đều có thể đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử và trình bày những vấn đề có liên quan đến vụ án (khoản 2 và khoản 3 Điều 88).

Thứ hai, bổ sung những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự

Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 chỉ quy định những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự liên quan đến hành vi phạm tội, chủ thể của tội phạm thì Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã mở rộng hơn trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Theo đó, bổ sung trách nhiệm phải chứng minh: Nguyên nhân và điều kiện phạm tội; những tình tiết khác liên quan đến việc loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt (khoản 5 và khoản 6 Điều 85). Điều này đặt ra yêu cầu đối với các cơ quan tố tụng phải tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc khách quan, toàn diện, tránh tâm lý chủ quan, một chiều trong quá trình chứng minh về vụ án.

Thứ ba, bổ sung một số nguồn chứng cứ và quy định về loại trừ chứng cứ (Điều 87)

BLTTHS năm 2003 quy định nguồn chứng cứ gồm: vật chứng; lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; kết luận giám định; biên bản về hoạt động điều tra, xét xử và các tài liệu, đồ vật khác.

BLTTHS năm 2015: bổ sung thêm nguồn chứng cứ là: Dữ liệu điện tử; Kết luận định giá tài sản; Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác trong đấu tranh chống tội phạm. Ngoài ra, còn bổ sung quy định về loại trừ chứng cứ, theo đó: “Những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự”.

Thứ , bổ sung trình tự, thủ tục các cơ quan tiến hành tố tụng tiếp nhận và đánh giá chứng cứ do những người tham gia tố tụng cung cấp và việc kiểm sát việc thu thập chứng cứ (khoản 4 và khoản 5 Điều 88)

Theo đó, khi tiếp nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến vụ án do những người quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 88 cung cấp, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải lập biên bản giao nhận và kiểm tra, đánh giá theo quy định của Bộ luật này.

Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày lập biên bản về hoạt động điều tra, thu thập, nhận được tài liệu liên quan đến vụ án mà Kiểm sát viên không trực tiếp kiểm sát theo quy định của Bộ luật này thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm chuyển biên bản, tài liệu này cho Viện kiểm sát để kiểm sát việc lập hồ sơ vụ án. Trường hợp do trở ngại khách quan thì thời hạn này có thể kéo dài nhưng không quá 15 ngày. Trong thời hạn 03 ngày, Viện kiểm sát đóng dấu bút lục và sao lưu biên bản, tài liệu lưu hồ sơ kiểm sát và bàn giao nguyên trạng tài liệu, biên bản đó cho Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Với quy định mới này sẽ tránh việc làm mất, làm hỏng, làm thất lạc những chứng cứ, đồ vật, tài liệu mà các chủ thể này cung cấp cho các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Thứ năm, quy định cụ thể về nguồn chứng cứ là dữ liệu điện tử và việc thu thập phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử (Điều 99 và Điều 107)

+ BLTTHS năm 2003: không quy định.

+ BLTTHS năm 2015: quy định cụ thể về dữ liệu điện tử với tính cách là một loại nguồn chứng cứ như: khái niệm về dữ liệu điện tử; các nguồn chứa dữ liệu điện tử; yêu cầu về giá trị chứng cứ của dữ liệu điện tử; trình tự, thủ tục thu thập, phục hồi dữ liệu điện tử nhằm bảo đảm tính khách quan, tính nguyên trạng và tính có thể kiểm chứng của loại chứng cứ này.

Thứ sáu, Quy định chặt chẽ và chi tiết việc xử lý vật chứng (Điều 106)

BLTTHS năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung chi tiết việc xử lý vật chứng theo từng trường hợp vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm lưu hành; vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có; vật chứng là vật không có giá trị hoặc không sử dụng được; vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản; vật chứng là động vật hoang dã và thực vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quy hiếm, động vật, thực vật ngoại lai và một số trường hợp khác./.

Bùi Việt Hùng- VKSND huyện Việt Yên

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,752,252
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.141.24.134

    Thư viện ảnh