.

Thứ sáu, 26/04/2024 -06:27 AM

Tín dụng đen, thực trạng và giải pháp ngăn chặn, phòng ngừa

 | 

“Tín dụng đen” là thuật ngữ được dùng để chỉ các hoạt động cho vay tài sản trong giao dịch dân sự giữa các tổ chức, cá nhân mà không qua hệ thống tổ chức tín dụng chính thức. Đặc trưng cơ bản nhất của tín dụng đen là cho vay với mức lãi suất cao vượt mức lãi suất tối đa theo quy định của Bộ luật dân sự và bị pháp luật nghiêm cấm. Chính vì vậy nó được gọi là tín dụng cho vay nặng lãi hay “tín dụng đen”. Tín dụng đen thường diễn ra như những hoạt động ngầm, âm thầm, không ồn ào, nhưng hệ lụy của nó ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự, có thể dẫn đến “khuynh gia, bại sản” cho các gia đình, cá nhân, thậm chí có tình huống siết nợ bạo lực đẫm máu và nước mắt, gây bất an cho xã hội.

Thực tế vài năm trở lại đây, hoạt động cho vay ngoài các tổ chức tín dụng được nhà nước cấp phép đang diễn ra khá sôi động. Chúng ta không còn xa lạ với hình ảnh tờ rơi dán khắp các cột điện, bờ tường, nơi công cộng từ thành thị cho tới nông thôn với các nội dung quảng cáo cho vay hấp dẫn, nhanh gọn, không thế chấp, không cần giấy chứng minh nhân dân, kèm theo là số điện thoại để liên hệ, rồi thậm chí một số cửa hàng trưng biển công khai với cái tên mỹ miều, nhân văn là “hỗ trợ tài chính” ngày càng phổ biến, cho đến sử dụng các trang mạng xã hội để quảng cáo rộng rãi nhằm tiếp cận người vay. Nói chung, đối tượng có tài sản cho vay tìm mọi cách tiếp cận người cần vốn và để giải ngân dễ dàng, các đối tượng này đưa ra những điều kiện vay hết sức dễ dãi.

Trong thời gian gần đây trên địa bàn cả nước đã xảy ra hàng trăm vụ vỡ nợ tín dụng đen, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhiều cá nhân và gia đình. Nạn nhân của các vụ việc liên quan đến tín dụng đen cũng rất đa dạng, thuộc nhiều tầng lớp, lứa tuổi, trình độ học vấn và nghề nghiệp khác nhau. Bện cạnh đó, do lòng tham hám lời, nhiều người đã rơi vào “bẫy” của tín dụng đen. Từ vai trò trung gian huy động, cho vay vốn với lãi suất cao đã vô tình trở thành vừa là nạn nhân vừa là đối tượng tham gia “đồng phạm” trong đường dây tín dụng đen. Hệ lụy phát sinh từ tín dụng đen dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật như bắt giữ người trái pháp luật, xâm phạm chỗ ở, hủy hoại tài sản, gây rối trật tự công cộng, thậm chí cưỡng đoạt, cướp tài sản, cố ý gây thương tích…

Việc cho vay và vay vốn ngoài các tổ chức tín dụng là quan hệ pháp luật dân sự, không phải là hành vi bị pháp luật cấm, thậm chí còn được khuyến khích để tổ chức, cá nhân, hộ gia đình hỗ trợ lẫn nhau giải quyết công việc trong cuộc sống. Hoạt động này chỉ vi phạm pháp luật khi xác định được là lãi suất cho vay vượt quá quy định và có tính chất “bóc lột”. Qua thực tiễn các vụ án đã xảy ra, để chứng minh được mức lãi suất cho vay trong hoạt động tín dụng đen tại thời điểm vay là rất khó khăn. Các đối tượng cho vay hầu hết không ghi mức lãi suất mà chỉ thỏa thuận miệng với người vay. Những chủ nợ này thường khấu trừ luôn tiền lãi vào tiền gốc ngay khi giao tiền nên người vay thường không bao giờ được nhận đủ số tiền vay ghi trong hợp đồng. Thậm chí có chủ cho vay còn biến tướng sang một dạng hợp đồng khác như hợp đồng cho thuê ô tô, xe máy tự lái…với số tiền lãi phải trả là số tiền thuê tài sản trong ngày để tránh việc bị phát hiện, xử lý của cơ quan chức năng và khi người vay không trả được nợ thì tố cáo họ lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Mới đây còn xuất hiện một dạng cho vay nặng lãi dưới hình thức hỗ trợ tài chính gọi là “bốc bát họ” cũng là một dạng tín dụng đen tinh vi che đậy bản chất bóc lột. Hành vi cho vay có tính chất “chuyên bóc lột” thật khó chứng minh, đó cũng chính là nguyên nhân khiến cho những vụ cho vay với lãi suất “cắt cổ” chỉ bị phát giác khi mà nó đã chuyển hóa thành những hành vi vi phạm pháp luật hình sự khác như bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản…

Tuy nguồn vốn ngân hàng đã và đang góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, giúp xóa đói giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội, nhưng tín dụng đen vẫn có đất sống, vẫn len lỏi không chỉ ở vùng sâu, vùng xa mà tồn tại ngay giữa lòng thành thị. Mặc dù ai cũng hiểu tín dụng đen là tín dụng phi chính thức, là hình thức tín dụng tư nhân nằm ngoài khôn khổ hoạt động của hệ thống ngân hàng, nhưng vì sao nhiều người vẫn bị rơi vào vòng xoáy của “bẫy” vay nóng, trả lãi ngày, lãi tháng; Bởi lẽ, người dân cần có vốn sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, giải quyết công việc đột xuất…nhưng do những bất cập trong hoạt động cho vay của hệ thống ngân hàng, do vẫn còn những kẻ hở trong các quy định của pháp luật, chế tài xử lý chưa nghiêm nên tín dụng đen vẫn có đất tồn tại.

Vì vậy, ngăn chặn và đẩy lùi tín dụng đen là một yêu cầu cấp thiết hiện nay của các cấp, các ngành, nhằm lành mạnh hóa thị trường tín dụng, ổn định cuộc sống của người dân, giữ gìn an ninh, trật tự. Để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng này, cần có các giải pháp trước mắt và lâu dài. Trước hết cần tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về tín dụng đen, bẫy tín dụng đen, nhất là hệ lụy của nó gây ra. Tăng cường công tác truyền thông, xử lý nghiêm minh các vụ việc do tín dụng đen gây ra. Các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý hoạt động của các tổ chức, cá nhân hoạt động tín dụng núp dưới vỏ bọc “công ty, cửa hàng hỗ trợ tài chính” đang mọc ra phổ biến hiện nay. Các ngân hàng, tổ chức tín dụng nhân dân cần mở rộng các khoản vay tín dụng tiêu dùng, có thêm nhiều các sản phẩm cho vay nhỏ, ngắn hạn; thực hiện tín dụng chính sách gắn với các chương trình xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Về lâu dài, cần sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động cho vay theo hướng chặt chẽ hơn; quy định chế tài xử lý về hình sự, hành chính cần nghiêm khắc hơn so với luật hiện hành./

Hoàng Văn Quý- VKSND huyện Hiệp Hòa

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,760,696
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.222.156.75

    Thư viện ảnh