.

Thứ sáu, 19/04/2024 -20:24 PM

Tiền phạt chậm trả lãi có phải chịu khi vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng tín dụng hay không?

 | 

<>Hỏi

Tôi ký kết vay vốn ngân hàng theo hợp đồng tín dụng ngày 01/8/2017 số tiền vay là 614.118.359 đồng; Thời hạn vay là 120 tháng; Mục đích vay: Bổ sung vốn kinh doanh; Lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm giải ngân là 11,5%/năm. 

Do tôi không thực hiện đúng nghĩa vụ, Ngân hàng chuyển nợ xấu kể từ tháng 6/2018 và khởi kiện tính đến ngày 13/2/2020 tiền gốc là 614.118.359 đồng, lãi trong hạn 261.053.795đ và buộc tôi phải chịu phạt chậm trả lãi là 29.015.654đ. Tổng phải trả là 904.187.808đ và toàn bộ số lãi, phí, phạt phát sinh sau xét xử theo quy định của Ngân hàng cho đến khi thanh toán hết toàn bộ nghĩa vụ.  

Cho tôi hỏi, trong trường hợp này tôi có phải chịu tiền phạt chậm trả lãi là 29.015.654 đồng không?

Phạm Văn C- thành phố Bắc Giang

<>Trả lời có tính chất tham khảo

Theo khoản 4, Điều 13 của Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước có nêu: 

“Khi đến hạn thanh toán mà khách hàng không trả hoặc trả không đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận, thì khách hàng phải trả lãi tiền vay như sau:

a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất cho vay đã thỏa thuận tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả;

b) Trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi theo quy định tại điểm a khoản này, thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả”;

Tại khoản 2, Điều 8 của Nghị quyết 01/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm trong Hợp đồng tín dụng như sau:

“Tại thời điểm xét xử sơ thẩm, lãi, lãi suất trong hợp đồng tín dụng xác lập kể từ ngày 01-01-2017 được xác định như sau:

a) Lãi trên nợ gốc, lãi trên nợ gốc quá hạn được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều này.

b) Trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi trên nợ gốc theo thỏa thuận tại hợp đồng tín dụng, thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá mức lãi suất giới hạn mà pháp luật quy định tương ứng với thời gian chậm trả lãi trên nợ gốc trong hạn”.

Như vậy theo hướng dẫn của Nghị quyết 01/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì phía Ngân hàng chỉ được phép tính tiền lãi đối với số tiền lãi của số tiền nợ gốc 1 lần với mức lãi suất không quá 10%/năm.

Việc tính toán tiền chậm trả lãi của Ngân hàng theo cách tính: Số tiền chậm trả lãi của sau 30 ngày được tính kể từ ngày chậm trả lãi bao gồm tổng tiền lãi trong hạn (tiền lãi của tiền gốc) và số tiền lãi quá hạn (tiền lãi quá hạn) rồi nhân với mức lãi suất 10%/năm thành tiền chậm trả lãi của tháng thứ nhất. Số tiền chậm trả lãi này đem nhập vào số tiền chậm trả lãi của tháng sau rồi lại nhân với mức lãi suất 10%/năm đối với toàn bộ số dư tiền lãi, tại thời điểm xét xử sơ thẩm (được tổng số tiền là 29.015.654 đồng) theo quy định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước nhưng lại là cách tính “lãi chồng lãi” hay một cách khác là “lãi mẹ đẻ lãi con” và không đúng với hướng dẫn của Nghị quyết 01/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Do vậy bạn không phải trả tiền phạt chậm trả lãi đối với Ngân hàng.

Giáp Thị Thủy- VKSND tỉnh Bắc Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,697,965
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.17.162.247

    Thư viện ảnh