.

Thứ bảy, 20/04/2024 -00:28 AM

Nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

 | 

Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”;trong những năm qua, mỗi cán bộ, công chức trong ngành Kiểm sát Bắc Giang đã nỗ lực phấn đấu, dèn luyện, nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.          

Bên cạnh đó, vẫn còn một số ít cán bộ còn chưa tích cực, tự giác, chưa phát huy hết năng lực, trách nhiệm đối với nhiệm vụ được giao dẫn đến chất lượng, hiệu quả công việc chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu.          

Vì vậy cần có những giải pháp để nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức nói chung và mỗi cán bộ Kiểm sát nói riêng trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Đây là một trong những nội dung trọng tâm, quan trọng để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trong giai đoạn hiện nay.          

Để thực hiện tốt nội dung này thì trước hết mỗi cán bộ, Kiểm sát viên cần tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.          

Trách nhiệm là điều phải làm, phải gánh vác hoặc phải nhận lấy về mình. Ai cũng cần phải có trách nhiệm bởi lẽ trách nhiệm luôn gắn liền với quá trình thực thi nhiệm vụ, công vụ. Tinh thần trách nhiệm chính là kết quả của một quá trình dèn luyện, nhận thức và hành động đúng đắn, tích cực, tự giác trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích về tinh thần trách nhiệm và không có tinh thần trách nhiệm như sau: “Tinh thần trách nhiệm là gì? Là khi Đảng, Chính phủ hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công. Làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy là không có tinh thần trách nhiệm”.

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh thì nêu cao tinh thần trách nhiệm chính là việc cán bộ, công chức, đảng viên phải bảo đảm làm tròn chức trách, nhiệm vụ, công việc, phần việc được giao, nếu kết quả thực hiện không tốt hoặc nếu thực hiện sai, thất hứa thì sẽ phải gánh chịu hậu quả.          

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải nêu cao ý thức, tinh thần trách nhiệm. Trong thực hiện nhiệm vụ được giao phải “có gan phụ trách”, dám nghĩ dám làm, chủ động sáng tạo để có kết quả cao nhất. Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra tiêu chí đối với một người cán bộ tốt là phải có đạo đức và nhấn mạnh phải lấy kết quả thiết thực để làm thước đo, kiên quyết chống bệnh nói suông, thói phô trương hình thức.

Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, công chức khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; có phương pháp làm việc khoa học; phải chịu khó, chăm chỉ trong công việc; thực hiện công việc phải có chương trình, kế hoạch cụ thể; làm việc phải bảo đảm thời gian theo quy định, không được lấy thời gian làm việc công để làm việc tư.

Người nhấn mạnh: “Cán bộ chăm chỉ làm việc chưa đủ, cần phải biết làm việc cho có phương pháp”. Người cũng yêu cầu cán bộ, công chức phải khắc phục thói làm việc một cách tùy tiện, không có nền nếp, không khoa học, không có tổ chức, không thấy việc chính để tập trung thực hiện. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh phê phán làm việc tuy có kế hoạch nhưng lại sắp xếp, phân công công việc không hợp lý làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức trách nhiệm vụ, công việc được giao. Người nói: “Có kế hoạch làm việc nhưng sắp đặt công việc không khéo, phân công không sáng suốt thì việc cũng đến hỏng. Người nói giỏi lại cho vào việc chỉ cần khéo chân tay, người viết giỏi lại cho làm việc về lao động thì nhất định không thể nào thành công được”. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhắc nhở, yêu cầu cán bộ, đảng viên phải năng động, sáng tạo, thực hiện công việc phù hợp với tình hình, hoàn cảnh cụ thể, nhưng không tự tiện. Để nêu cao tinh thần trách nhiệm với công việc, nhiệm vụ được giao thì phải hăng hái, làm việc phải khoa học, có chương trình, kế hoạch cụ thể từ phương hướng hành động, kết quả và hậu quả ra sao để có biện pháp phòng tránh; không làm việc một cách thụ động, thiếu trách nhiệm, không khoa học, không có nền nếp.

Mỗi cán bộ, đảng viên cần nêu cao tinh thần trách nhiệm gắn với tự phê bình và phê bình; phát huy ưu điểm, sửa chữa, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm.Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Bất kỳ ai, ở địa vị nào, làm công tác gì, gặp hoàn cảnh nào, đều phải có tinh thần trách nhiệm”. Cán bộ, công chức, khi được Đảng, Nhà nước phân công làm công việc gì, dù to hay nhỏ, dù quan trọng hay ít quan trọng, dù phức tạp hay ít phức tạp đều phải thấy được công việc đó là rất vinh quang, đáng tự hào, phải nêu cao ý thức, trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, thực hiện hết sức mình để hoàn thành một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, đem lại kết quả cao nhất.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ, đảng viên không nên suy bì xem công việc của mình có quan trọng hay không, có đem lại lợi lộc gì cho bản thân và gia đình hay không mà phải thấy được rằng công việc nào cũng cần thiết, cũng quan trọng; khi đã được giao và làm bất kỳ việc gì, dù gặp khó khăn, trở ngại cũng phải quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ. Người luôn nhắc nhở: “Đã phụ trách việc gì thì quyết làm cho kỳ được, cho đến nơi đến chốn, không sợ khó nhọc, không sợ nguy hiểm”. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh mỗi cán bộ, đảng viên muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ phải có tinh thần phê bình và tự phê bình. Người dạy muốn sửa chữa tốt sai lầm thì phải sẵn sàng nghe phê bình và thật thà tự phê bình, không chịu nghe phê bình và không tự phê bình thì nhất định sẽ lạc hậu. Đó là kết quả tất yếu của chủ nghĩa cá nhân.

Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Những khuyết điểm, sai lầm vì sao mà có và từ đâu đến. Mỗi cán bộ cần phải thật thà tự xét và xét đồng chí mình, ai có khuyết điểm nào thì phải thật thà cố gắng tự sửa chữa và giúp nhau sửa chữa. Thang thuốc hay nhất chính là thiết thực phê bình và tự phê bình.       

Trong những năm qua, thực hiện cuộc vận động xây dựng người cán bộ Kiểm sát Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; cán bộ, công chức trong ngành Kiểm sát Bắc Giang luôn nâng cao tinh thần trách nhiệm, tích cực học tập, tu dưỡng, rèn luyện, thực hiện tốt nhiệm vụ của người cán bộ, đảng viên; gương mẫu thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quy chế của cơ quan, đơn vị và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhiều đồng chí cán bộ đã tự nguyện, tự giác làm thêm giờ với ý thức và tinh thần trách nhiệm cao. Trong bối cảnh thiếu biên chế và khối lượng công việc tăng lên, chất lượng công việc chuyên môn đòi hỏi ngày một cao hơn nhưng mỗi cán bộ, Kiểm sát viên luôn khắc phục khó khăn, vất vả để hoàn thành công việc được giao. Hàng năm, nhiều đồng chí cán bộ, công chức được Viện trưởng VKSND tối cao, Tỉnh ủy Bắc Giang, Viện trưởng VKSND tỉnh Bắc Giang khen thưởng vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó trong công tác thực tiễn vẫn còn một số cán bộ, Kiểm sát viên còn để xảy ra những thiếu sót, tồn tại như: Một số vụ án còn bị hủy, sửa hoặc phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung có lỗi của Kiểm sát viên; thao tác, nghiệp vụ trong giải quyết một số công việc còn chưa tốt, hiệu quả chưa cao; còn có tư tưởng vì cho rằng các vụ án, vụ việc tưởng chừng đơn giản, không phức tạp nên không sát sao, không cẩn thận trong thao tác nghiệp vụ dẫn đến vi phạm, thiếu sót không đáng có; còn có tư tưởng để dành công việc trong khi có thể giải quyết được ngay; một số cán bộbố trí, sắp xếp thời gian thực hiện các công việc được giao chưa hợp lý, chưa khoa học, chưa nêu cao tinh thần chủ động, còn phải để lãnh đạo nhắc nhở; chưa phát huy tính sáng tạo trong thực hiện công tác chuyên môn nghiệp vụ;việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật công vụ và trật tự nội vụ có lúc, có chỗ còn chưa nghiêm...

Những khuyết điểm, tồn tại nêu trên do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng trong đó có nguyên nhân chủ quan xuất phát từ ý thức, tinh thần trách nhiệm và trình độ chuyên môn nghiệp vụ của mỗi cá nhân cán bộ, Kiểm sát viên trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Để nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao thì mỗi cán bộ, Kiểm sát viên cần chịu khó, tích cực, hăng hái; nêu cao tính chủ động, sáng tạo, hết lòng, hết sức hoàn thành công việc, nhiệm vụ được giao, gương mẫu trong công tác, ứng xử, hoạt động. Tự mình phải chủ động, tích cực, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, công việc có chương trình, kế hoạch, khoa học, ngăn nắp, nền nếp, giải quyết công việc có kết quả cao nhất, không để chậm trễ, tồn đọng.

Trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, dù đơn giản, hay phức tạp, dù nhiều hay ít cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt quy chế, chế độ, quy trình, thủ tục, không làm tắt, làm trái quy định, không có động cơ cá nhân trong công việc. Tuy nhiên, cũng không nên cứng nhắc, máy móc, phải linh hoạt, sáng tạo, không ngừng cải tiến, đổi mới để hoàn thành công việc một cách tốt nhất.

Cần nêu cao tinh thần trách nhiệm gắn với tự phê bình, phê bình và tiếp thu phê bình đối với công việc, nhiệm vụ được giao. Khi mắc phải thiếu sót, khuyết điểm phải tự giác nhận trách nhiệm cá nhân, xác định rõ nguyên nhân để có biện pháp sửa chữa, khắc phục, phấn đấu vươn lên; không đổ lỗi cho khách quan, cho người khác.

Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị gắn với cuộc vận động xây dựng người cán bộ Kiểm sát “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.

                                                     Nguyễn Ngọc Cường – Phòng 2

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,698,745
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.146.37.35

    Thư viện ảnh